Mục lục [Ẩn]
Việc phải sống xa cha mẹ khiến nhiều trẻ cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương. Chúng trở nên thu mình lại, suy nghĩ tiêu cực, tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy cụ thể, tâm lý trẻ sống xa cha mẹ như thế nào?
Tâm lý trẻ sống xa cha mẹ là thế nào?
Tìm hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ khi sống xa cha mẹ
Trẻ con luôn cần sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Tình thương này không ai có thể thay thế được. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà các bậc phụ huynh phải gửi con cho ông bà, người thân chăm sóc, chẳng hạn như:
- Gia cảnh khó khăn, cha mẹ phải đi làm thuê
- Cha mẹ ly hôn
Tâm lý trẻ phải sống xa cha mẹ từ nhỏ thường rất nhạy cảm, dễ tổn thương, nhất là các bé ở tuổi dậy thì, cụ thể:
Trẻ luôn có cảm giác thiếu thốn
Trẻ sống xa cha mẹ từ nhỏ luôn có cảm giác thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhìn bạn bè được bố mẹ đưa đón, quan tâm, chăm sóc, chúng sẽ dễ bị tủi thân, cảm giác thèm muốn tình yêu thương. Cảm giác này sẽ theo suốt các bé từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Sống thu mình, khép kín
Trẻ nhỏ sống xa cha mẹ sẽ luôn cảm thấy buồn bã, mặc cảm do thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc từ chính người đã sinh ra mình. Đồng thời, trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của “bạo lực học đường”, bị bạn bè trêu chọc, cười nhạo.
Do đó, các bé trở nên sợ sệt, nhút nhát, thu mình lại, không muốn giao tiếp hay kết thân với bất kỳ ai. Chúng sống khép kín hơn và thường không có nhiều bạn bè. Thậm chí, trẻ còn bị mọi người xung quanh tẩy chay, cho rằng chúng là đứa “không cha, không mẹ”.
Nhiều trẻ khi bị trêu chọc có thể chống đối, phản kháng nhưng đa phần các bé lại chọn cách im lặng và chấp nhận nó. Lâu dần, chúng trở nên thụ động, không còn vui đùa, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Nhiều trường hợp còn bị mặc cảm, không muốn giao tiếp, thân thiết với bất kỳ ai, kể cả những người đang trực tiếp chăm sóc trẻ.
Không biết cách bày tỏ tình yêu thương
Đây là đặc điểm thường gặp ở tâm lý trẻ sống xa cha mẹ. Việc bày tỏ tình cảm là một kỹ năng mà trẻ cần được dạy dỗ. Bình thường nếu sống với bố mẹ, chúng có thể học hỏi thông qua lời nói, hành động của phụ huynh với trẻ.
Thế nhưng khi phải sống xa cha mẹ, các bé sẽ rất khó học hỏi được điều đó. Chúng không biết sử dụng hành động hay lời nói để bộc lộ cảm xúc của chính mình. Trẻ dường như không cảm nhận được sự yêu thương của mọi người và cũng không biết cách thể hiện tình cảm của mình đối với người khác.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với các mối quan hệ xung quanh. Trẻ khó xây dựng và duy trì tốt các mối quan hệ thân thiết, thậm chí là không có bạn bè.
Tâm lý trẻ sống xa cha mẹ là không biết cách bày tỏ tình yêu thương
Tăng khoảng cách giữa bố mẹ và con cái
Sự gần gũi, thân thiết giữa phụ huynh và con cái được hình thành từ việc cùng chung sống, cùng chia sẻ và quan tâm. Nếu điều kiện đó không được đáp ứng, cha mẹ sẽ khó gần với con cái.
Khoảng cách địa lý khiến con trẻ không thể gặp gỡ và chia sẻ với cha mẹ những phiền muộn, vấn đề đang phải đối mặt. Ngược lại, phụ huynh cũng không thể nắm bắt được cuộc sống và tâm lý của con. Dần dần, giữa cha mẹ và con cái sẽ hình thành khoảng cách khó hàn gắn.
Hình thành tâm lý chống đối
Đặc điểm này thường gặp ở trẻ độ tuổi dậy thì. Vốn dĩ, tâm lý chúng đã nhạy cảm vì thiếu thốn tình yêu gia đình, lại bị bạn bè trêu chọc, trẻ sẽ càng tổn thương hơn. Và chúng cho rằng, bản thân bị như vậy là do bố mẹ ích kỷ, không đưa chúng đi cùng. Dần dần, trẻ hình thành tâm lý chống đối và phá phách.
Thêm nữa, người chăm sóc trẻ thường là ông bà, khoảng cách thế hệ rất lớn. Vì vậy, họ khó có thể hiểu được tâm lý trẻ sống xa cha mẹ và không biết cách chia sẻ, quan tâm đúng mực. Đây cũng là lý do khiến cho trẻ hình thành tâm lý chống đối, phá phách, không tiếp nhận giáo dục từ nhà trường và người đang nuôi dưỡng.
Tăng nguy cơ hình thành các rối loạn nhân cách
Nguy cơ này dễ hình thành ở đối tượng sống xa cha mẹ và không được giáo dục lành mạnh, thiếu thốn tình yêu thương.
Các dạng rối loạn nhân cách có thể gặp ở trẻ sống xa cha mẹ bao gồm:
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: Dạng nhân cách này đặc trưng bởi các hành vi chống đối, lừa dối để đạt được mục đích của bản thân. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường phát triển ở những trẻ có hành vi phá phách, lêu lổng trong giai đoạn dậy thì. Trẻ không nhận được tình yêu thương nên không biết đồng cảm hay chia sẻ với bất cứ ai mà chỉ đề cao mục đích của bản thân.
Tâm lý trẻ sống xa cha mẹ có nguy cơ dẫn đến rối loạn nhân cách
- Rối loạn nhân cách ranh giới: Là tình trạng tâm lý không ổn định, nhìn nhận bản thân một cách méo mó và có phản ứng cảm xúc dữ dội. Người gặp tình trạng này thường dễ tức giận, cảm giác sợ bị bỏ rơi, tự hại bản thân, thậm chí tự tử.
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Người mắc phải chứng này luôn có nhu cầu muốn được người khác quan tâm, chăm sóc một cách thái quá.
Tuy việc sống xa cha mẹ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các rối loạn nhân cách nhưng nó được xem là yếu tố nguy cơ, khiến trẻ suy nghĩ và nhận thức méo mó. Sau khi lớn lên, chúng dễ bị rối loạn hoặc phát triển nhân cách theo hướng sai lệch.
Nguy cơ bị rối loạn tâm thần
Bởi thiếu vắng tình thương của cha mẹ, không được dạy dỗ, quan tâm nên nhiều trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, khó vượt qua áp lực trong cuộc sống. Theo đó, khi gặp những tình huống căng thẳng, chúng bị rối loạn, bất lực vì không biết đối phó ra sao. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nên làm gì để tâm lý trẻ sống xa cha mẹ phát triển tốt?
- Trước khi xa con cái, bạn nên dành thời gian để chia sẻ với con, giúp trẻ hiểu vì sao bạn không thể ở gần để chăm sóc chúng. Đồng thời, phụ huynh cần thể hiện cho trẻ biết rằng dù ở xa nhưng cha mẹ vẫn luôn quan tâm, yêu thương con.
Thường xuyên liên lạc, gọi video với trẻ
- Thường xuyên liên lạc và hỏi thăm về cuộc sống của trẻ. Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp và gia tăng tần suất về thăm con, đưa con đi chơi, đi mua sắm…
- Hãy cho con biết về nơi làm việc, các sinh hoạt hàng ngày của cha mẹ bằng cách gửi những tấm hình hoặc gọi video với con. Điều này sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, thoải mái và gia tăng sự gắn kết giữa cha mẹ cùng con cái dù không thể ở cạnh nhau.
- Nên giữ đúng lời hứa với trẻ, tạo cho con niềm tin vững chắc.
- Thỉnh thoảng, bạn cũng nên đón con đến nơi ở của mình để con có thể biết rõ hơn về cuộc sống của cha mẹ hiện tại. Khi chứng kiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và công việc của cha mẹ, chúng sẽ phần nào hiểu được sự vất vả, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.
Việc phải sống cha mẹ là một thiệt thòi lớn của trẻ. Nếu phụ huynh không làm tốt công tác tư tưởng cho con, quá trình phát triển tâm lý trẻ sống xa cha mẹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lý để dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập