Mục lục [Ẩn]
Các chứng rối loạn lo âu, ám ảnh sợ đặc hiệu thường gây ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống người bệnh. Nếu không khắc phục sớm, tình trạng này còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như rối loạn lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về hội chứng sợ đi máy bay, mời các bạn cùng đón đọc!
Chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia) là gì?
Hội chứng sợ đi máy bay là gì?
Hội chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia) là một trong những rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu với biểu hiện lo lắng, sợ hãi quá mức khi phải đi máy bay.
Trong cuộc sống, máy bay là phát minh lớn của xã hội. Nó giúp chúng ta di chuyển đến những nơi rất xa mà chỉ mất khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ đi máy bay, phương tiện này lại trở thành nỗi ám ảnh lớn. Thông thường, họ sẽ cố gắng tránh né những công việc, tình huống phải đi máy bay, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Hội chứng sợ đi máy bay thường gặp nhiều ở phụ nữ và trẻ nhỏ. Người bệnh còn dễ mắc đồng thời các chứng rối loạn lo âu khác như sợ không gian hẹp, sợ độ cao…
Triệu chứng hội chứng sợ đi máy bay
Người mắc hội chứng sợ đi máy bay thường có các biểu hiện bao gồm:
- Cảm xúc lo âu bùng phát khi nhìn thấy máy bay như run rẩy, tim đập nhanh, nhịp thở gấp và ngắn, huyết áp tăng, đổ mồ hôi, căng cứng cơ, khô miệng, choáng váng… Một số trường hợp chỉ cần nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe thấy thông tin về máy bay cũng đã xuất hiện dấu hiệu sợ hãi.
- Nếu bắt buộc phải lên máy bay, người bệnh sẽ trở nên căng thẳng, hoảng loạn, thậm chí tê liệt toàn thân, ngất xỉu.
- Nếu vô tình gặp máy bay hoặc chỉ suy nghĩ về máy bay cũng khiến người bệnh run rẩy, mất ngủ hoặc gặp ác mộng.
- Luôn tìm cách tránh né tối đa để không phải nhìn thấy hay đi máy bay, không tiếp xúc với các yếu tố liên quan như tin tức tai nạn hàng không, xem hình ảnh hoặc video về máy bay.
- Một số trường hợp có xu hướng sử dụng rượu, chất kích thích hay thuốc an thần, thuốc ngủ nếu phải lên máy bay.
Người mắc hội chứng sợ máy bay thường căng thẳng, hoảng loạn khi đi máy bay
Nguyên nhân gây hội chứng sợ đi máy bay
Một số yếu tố được cho là góp phần dẫn đến hội chứng sợ đi máy bay gồm có:
- Đã từng trải qua sự kiện đau thương liên quan đến máy bay chẳng hạn có người thân mất trong máy bay, gặp sự cố trên máy bay… Những ám ảnh từ quá khứ trở thành một vết sẹo lớn mà họ không vượt qua được. Theo đó, mỗi khi nhìn thấy máy bay, quá khứ đó lại tái diễn trong tâm trí khiến họ sợ hãi.
- Thiếu kiến thức hoặc tiếp nhận thông tin sai lệch về máy bay, độ an toàn bay cũng góp phần dẫn đến hội chứng sợ đi máy bay. Ví dụ, các tin tức về sự cố của máy bay như vụ nổ máy bay, máy bay mất tích khiến tất cả mọi người đều thiệt mạng… Với những người có tâm lý yếu, suy nghĩ nhiều, khi đọc các thông tin này sẽ cảm thấy máy bay là phương tiện cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến tâm lý lo lắng, căng thẳng.
- Mắc các chứng rối loạn lo âu khác như hội chứng sợ không gian hẹp, sợ bay, sợ độ cao… đều có nguy cơ phát triển thành hội chứng sợ đi máy bay.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ đi máy bay
Hội chứng sợ đi máy bay làm ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người trên toàn thế giới, khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể, một số hệ lụy của hội chứng này là:
- Người bệnh thường né tránh đi du lịch, công việc, sự kiện quan trọng đòi hỏi phải di chuyển bằng máy bay. Điều này gây ra sự cô lập, hạn chế cơ hội gặp gỡ, tạo mối quan hệ mới, đối tác mới… ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến trong công việc.
- Cảm giác lo sợ và hoảng sợ trước và trong khi đi máy bay làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như tăng huyết áp, loạn nhịp tim…
- Một số người bệnh muốn giải tỏa tâm lý căng thẳng, sợ hãi của bản thân nên tìm đến rượu bia, chất kích thích, tăng nguy cơ rối loạn lạm dụng chất gây nghiện, sức khỏe suy giảm.
Nếu không khắc phục kịp thời, hội chứng sợ đi máy bay còn phát triển thành các bệnh tâm lý khác như trầm cảm.
Làm thế nào để vượt qua hội chứng sợ đi máy bay?
Làm thế nào để vượt qua hội chứng sợ đi máy bay?
Để vượt qua hội chứng sợ đi máy bay, các biện pháp thường được áp dụng bao gồm:
Tâm lý trị liệu
Phương pháp này sẽ gỡ bỏ những vướng mắc trong tâm lý, điều chỉnh những suy nghĩ sai lệch của người bệnh và thay thế bằng những nhận thức đúng đắn hơn. Một số liệu pháp chính được áp dụng cho người mắc hội chứng sợ đi máy bay có thể kể đến là:
- Liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy)
- Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT)
- Liệu pháp trò chuyện (Talk Therapy)
Tùy mức độ và thể trạng của người bệnh, chuyên gia sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp.
Dùng thuốc tây
Trường hợp người bệnh có triệu chứng thể chất quá mức, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần để hỗ trợ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của các nhóm thuốc này rất nhiều. Bởi vậy, bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý giảm liều hay ngừng thuốc đột ngột.
Các biện pháp cải thiện tại nhà
- Tránh đọc thông tin tiêu cực về máy bay.
- Hít thở sâu để kiểm soát nỗi lo lắng của bản thân.
- Khi lên máy bay, bạn hãy hạ cửa sổ xuống, khiến bản thân bận rộn bằng cách đọc sách hoặc ngủ để phân tán sự tập trung trong tâm trí.
- Không dùng chất kích thích hay thuốc an thần khi đi máy bay.
- Thực hành các liệu pháp thiền, yoga và kiểm soát hơi thở để thư giãn tinh thần.
- Nếu cảm thấy nỗi lo âu vẫn không chấm dứt, bạn hãy trò chuyện với tiếp viên hàng không.
- Nếu chưa tự tin đi máy bay một mình, bạn nên nhờ sự đồng hành của người thân.
Trên đây là các thông tin về hội chứng sợ đi máy bay. Giống như các rối loạn lo âu khác, hội chứng này hoàn toàn có thể khắc phục được. Vì vậy, nếu đang gặp tình trạng này, bạn hãy đi thăm khám và điều trị ngay nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập