Mục lục [Ẩn]
Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên - thực chất là mối quan hệ chủ và người làm thuê, nên khi đối mặt sếp, nhiều người bị tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, có những người phải chịu sức ép nặng nề hơn, thậm chí dẫn đến rối loạn tâm thần, khi phải làm việc với những lãnh đạo mắc chứng ái kỷ (Narcissistic). Để tìm hiểu kỹ hơn, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau!
Đổ bệnh vì sếp 'ái kỷ'
Nhiều nhân viên đổ bệnh vì sếp 'ái kỷ'
Chị Hoài (32 tuổi), là nhân viên một công ty truyền thông, trầm cảm do phải áp lực từ lãnh đạo. Theo chia sẻ của chị, cấp trên là một phụ nữ gần 50 tuổi, dễ nổi nóng, thường xuyên mắng chửi nhân viên và liên tục yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ. Đặc biệt, mỗi khi công ty chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới, chị thường xuyên bị sếp thúc giục bằng hàng chục tin nhắn và cuộc gọi, kể cả nửa đêm. Nếu chị không kịp phản hồi, người này sẽ gọi liên tiếp đến khi nào chị nghe máy và xả một trận bằng các ngôn từ như "không có tư duy", "tốt nghiệp loại giỏi mà nông cạn", "ù lì", "vô tích sự" để trút cơn tức.
Những lời chỉ trích này khiến chị Hoài hoài nghi về năng lực bản thân, cảm thấy mình không xứng để làm việc, tuy nhiên, chị cũng không dám nghỉ việc vì phải nuôi con và trả nợ. Cứ như vậy, lâu dần chị Hoài trở nên hoảng sợ, tim đập nhanh, vã mồ hôi khi thấy báo tin nhắn của sếp. Thậm chí, nhiều đêm chị thức trắng vì bất an hoặc ngủ mê sảng, nói nhảm, mất động lực sống cũng như năng lượng trong công việc. Khi đi khám, chị bị chẩn đoán bị trầm cảm, phải điều trị tâm lý và dùng thuốc điều trị phù hợp.
Một trường hợp khác là Huy (25 tuổi) cũng phải chịu áp lực tương tự. Huy cho biết, sếp của anh là người kiêu ngạo, xem thường nhân viên, khó điều chỉnh cảm xúc và hành vi, đặc biệt luôn nghĩ mình quan trọng và muốn được đối xử đặc biệt. Nếu có vấn đề gì khiến cấp trên cảm thấy không hài lòng, dù chỉ là vấn đề nhỏ thì người này sẽ quát mắng nhân viên đến khi họ cảm thấy xấu hổ.
Trước đó, Huy đã thử góp ý tuy nhiên lại bị phản bác kèm theo răn đe. Từ đó, anh cam chịu, sống thu mình lại, thậm chí có các triệu chứng rối loạn lo âu mỗi khi nhắc đến sếp như vã mồ hôi, tim đập nhanh, tự làm đau để giải tỏa căng thẳng. Cuối cùng, anh quyết định nghỉ việc, sức khỏe tâm thần dần ổn định lại.
Ái kỷ là gì? Làm sao để “nhận diện” sếp ái kỷ?
Theo tâm lý học, ái kỷ (rối loạn nhân cách ái kỷ - Narcissistic Personality Disorder - NPD) được định nghĩa là một hình thức khuếch đại về bản thân trong trí tưởng tượng hoặc thể hiện qua hành vi, đòi hỏi người khác ca tụng và không có sự thấu cảm.
Thuật ngữ ái kỷ xuất phát từ huyền thoại Hy Lạp về Narcissus. Narcissus là một chàng trai đẹp trai đã phải lòng chính hình ảnh phản chiếu của mình đến mức quên ăn quên ngủ và cuối cùng đã chết bên bờ suối - nơi anh ngắm nhìn mình. Từ đó, thuật ngữ này được dùng để chỉ những người có mức độ tự yêu thương bản thân quá mức Họ luôn cho rằng mình đặc biệt xuất chúng hoặc mình thật sự bất hạnh đến mức họ thường xuyên không quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của người khác. Nghiên cứu cho thấy khoảng 6.2% dân số toàn cầu mắc rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), tỷ lệ này cao hơn ở nam giới (7.7%) và thấp hơn ở nữ giới (4.8%).
Những người ái kỷ thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hiệu suất làm việc nhóm, gây ra sự tiêu cực và ngăn cản các hoạt động hợp tác hiệu quả trong tổ chức. Một nghiên cứu từ Trường Quản lý thuộc Đại học Buffalo cho thấy những người ái kỷ có thể gây tổn hại đáng kể đến hiệu suất làm việc tập thể tại nơi làm việc.
Đặc biệt, một người lãnh đạo ái kỷ sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến công ty. Theo một khảo sát của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Hoa Kỳ (SHRM) năm 2022, 70% nhân viên làm việc dưới quyền một sếp ái kỷ cho biết họ cảm thấy thiếu công bằng trong việc đánh giá hiệu suất làm việc. Một nghiên cứu từ Đại học California cho thấy,
các nhà quản lý ái kỷ sẽ gây ra nhiều thiệt hại cả về ngắn hạn và dài hạn với công ty, như làm suy sụp tinh thần và sự tự tin của nhân viên, làm giảm sự đoàn kết và hợp tác,...
Các dấu hiệu “nhận diện” sếp ái kỷ:
- Có niềm tin mạnh mẽ (ở khía cạnh tiêu cực là ý nghĩ phóng đại, hoặc ảo tưởng sức mạnh) về tầm quan trọng và tài năng của họ.
- Có ảo tưởng về những thành tựu, ảnh hưởng, quyền lực, trí tuệ, vẻ đẹp của bản thân..
- Tin rằng họ là những người đặc biệt và độc đáo và chỉ nên kết hợp với những người có tầm cỡ/ tài năng/ xuất sắc nhất.
- Có nhu cầu được ngưỡng mộ, khen ngợi và trung thành vô điều kiện.
- Sử dụng người khác để đạt được mục đích của bản thân.
- Thiếu sự đồng cảm, rất ít quan tâm đến nhu cầu của những người khác trong tổ chức hoặc trong nhóm.
- Sử dụng sự sợ hãi, tội lỗi, xấu hổ, hình phạt để kiểm soát nhân viên.
- Ghen tị với những người khác và cho rằng những người khác ghen tị với họ.
- Kiêu căng và ngạo mạn.
- Không lắng nghe và thường phản ứng mạnh với những sự góp ý.
Người ái kỷ thường sử dụng sự sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi và hình phạt để kiểm soát nhân viên.
Sau đây là một số mẹo để đối phó với sếp ái kỷ
Sếp ái kỷ sẽ gây nhiều áp lực, từ đó tạo stress, căng thẳng mãn tính cho nhân viên. Nếu các stress này lặp đi lặp lại, kéo dài mà không được giải tỏa, nguy cơ tạo nên bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, cũng như những bệnh thể chất khác. Nếu phải làm việc với sếp ái kỷ, dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn:
Thiết lập ranh giới cho bản thân
Thiết lập ranh giới rõ ràng là điều cần thiết khi làm việc với người ái kỷ. Bạn cần xác định rõ những giới hạn về giao tiếp và công việc mà bạn không thể chấp nhận để bảo vệ quyền lợi của mình. Bạn cần kiên định với những ranh giới này, đồng thời không cho phép họ xâm phạm đến không gian và thời gian cá nhân của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được việc bị lợi dụng và duy trì được hiệu suất làm việc.
Nhắc nhở bản thân về giá trị của bạn
Bạn hãy nhớ luôn ghi nhận, tôn trọng giá trị và công sức của bản thân. Điều này giúp bạn duy trì sự tự tin và không bị giảm giá trị bởi những lời chỉ trích hoặc hành vi tiêu cực từ lãnh đạo. Dù không được sếp ghi nhận nhưng chừng nào bạn còn được giao các nhiệm vụ thử thách, nghĩa là bạn còn được tin dùng và đào tạo, bạn còn cơ hội để học hỏi.
Giữ thái độ chuyên nghiệp
Duy trì thái độ chuyên nghiệp trong mọi tình huống, ngay cả khi bạn cảm thấy khó chịu hoặc bị áp lực. Điều này giúp duy trì mối quan hệ làm việc tích cực và hiệu quả.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu cảm thấy quá khó khăn khi làm việc với lãnh đạo ái kỷ, bạn hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc những người thân cận khác, bộ phận nhân sự, coach, mentor hoặc các cố vấn cá nhân. Họ có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên và chiến lược hữu ích.
Phát triển bản thân
Điều cốt lõi nhất là năng lực và khả năng làm việc. Vì vậy, mỗi người cần cố gắng rèn luyện bản thân, khi có kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, bạn hoàn toàn làm chủ được công việc cũng như cuộc sống, không sợ cấp trên hay thất nghiệp
Nhận hỗ trợ từ bên ngoài
Khi có dấu hiệu không thể xử lý tình huống một mình, bạn hãy chia sẻ với những người thân yêu hoặc những người đã từng làm việc với bạn để có nhận thức đúng đắn về khả năng, tính cách và mục tiêu hợp lý của bạn trong tương lai. Nếu cảm thấy quá áp lực, stress và thấy cảm xúc đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, bạn nên đến chuyên gia tâm lý để tham vấn. Mặt khác, nếu công việc không phù hợp, không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoặc cách làm việc của cấp trên quá sức chịu đựng, bạn nên suy nghĩ định hướng mới.
Chia sẻ với những người xung quanh để có nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Trên đây là một số cách để nhận biết và đối phó khi có sếp ái kỷ. Điều cốt lõi nhất là bạn cần cố gắng rèn luyện bản thân, khi có kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, bạn hoàn toàn làm chủ được công việc cũng như cuộc sống. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập