Mục lục [Ẩn]
Hầu hết chúng ta ai cũng từng bị từ chối vài lần trong đời: Bị từ chối khi đi xin việc, bị từ chối khi tỏ tình,... Không ai thích bị từ chối cả. Tuy nhiên, ở một vài người, nỗi sợ bị từ chối lớn đến nỗi gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của nỗi sợ bị từ chối và cách vượt qua, mời bạn theo dõi nhé!
Làm sao để vượt qua nỗi sợ bị từ chối?
Nỗi sợ bị từ chối ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?
Nỗi sợ bị từ chối gây ra nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của một người, ví dụ:
Ảnh hưởng đến nghề nghiệp
Một người khi sợ bị từ chối có thể phải trả những cái giá đắt trong sự nghiệp, như:
- Vì sợ bị từ chối nên họ không dám nộp đơn xin việc vào vị trí họ muốn hoặc họ cảm thấy thiếu tự tin trong quá trình phỏng vấn. Điều này thường khiến họ bỏ lỡ cơ hội có được công việc mơ ước bởi sự tự tin, quyết đoán là những yếu tố rất quan trọng trong cuộc phỏng vấn.
- Họ không dám đưa ra các đề xuất mới hoặc không dám yêu cầu thay đổi trong dự án vì sợ bị từ chối.
- Nỗi sợ bị từ chối khiến họ không dám yêu cầu những quyền lợi chính đáng của bản thân tại nơi làm việc.
- ….
Sợ bị từ chối trong kinh doanh
Trong kinh doanh, nhiều khi bạn phải giới thiệu sản phẩm của mình cho hàng trăm người thì mới có một vài người mua. Nếu bạn vì không chịu được những cái lắc đầu từ chối của người khác mà không dám bán hàng, không dám giới thiệu sản phẩm của mình tới khách hàng thì bạn rất khó tìm được khách hàng cho mình. Dù ý tưởng kinh doanh của bạn có tốt đến đâu nhưng nếu không thực hiện thì khách hàng không thể biết về nó. Do đó, một người sợ bị từ chối rất dễ gặp thất bại trong kinh doanh.
Sợ bị từ chối trong tình cảm
Khi hẹn hò, gặp mặt, những người sợ bị từ chối sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng. Họ không thể tập trung tận hưởng buổi hẹn mà dành toàn bộ thời gian để lo lắng về việc liệu người đó có thích mình hay không và cố gắng làm hài lòng người kia. Sợ bị từ chối còn ngăn cản họ bày tỏ tình cảm với người họ yêu thích, từ đó để lại nhiều nuối tiếc.
Sợ bị từ chối khiến bạn không dám bày tỏ tình cảm của mình
Sợ bị từ chối trong sáng tạo
Nỗi sợ bị từ chối gây cản trở sự sáng tạo. Người mang nỗi sợ hãi này thường vô cùng ngần ngại thử một điều gì đó mới hoặc khám phá những phương hướng mới. Những người sáng tạo có thể ngần ngại chia sẻ công việc của họ với bất kỳ ai hoặc yêu cầu sự giúp đỡ mà họ cần để thành thạo các kỹ năng của mình. Nỗi sợ hãi này có thể khiến mọi người mắc kẹt và ngăn cản họ chia sẻ khả năng sáng tạo và tài năng của mình.
Sợ bị từ chối trong kết bạn
Nỗi sợ bị từ chối ngăn cản mọi người bước ra ngoài, gặp gỡ những người mới và kết nối. Họ sợ bị tổn thương nếu người khác từ chối làm quen và kết bạn với họ. Do đó, họ luôn tránh những tình huống này để giữ an toàn cho bản thân, dù điều đó khiến họ bị cô lập và cô đơn.
Sợ bị từ chối trong hôn nhân
Trong cuộc sống hôn nhân, dù có hợp nhau đến đâu thì hai vợ chồng cũng không thể đồng ý mọi thứ. Những người có nỗi sợ bị từ chối thường gặp nhiều khó khăn trong việc bày tỏ nhu cầu cũng như lập trường của bản thân. Điều này có thể gây cản trở cho việc tìm kiếm tiếng nói chung.
Các phương pháp giúp bạn vượt qua nỗi sợ bị từ chối
Chấp nhận cảm xúc của mình
Một cách để giúp bạn khắc phục nỗi sợ bị từ chối là chấp nhận sự tồn tại của nó. Một số người tự dằn vặt bản thân vì có những nỗi sợ như vậy, điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Liên tục né tránh nỗi sợ chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn
Ví dụ: Một ai đó cảm thấy lo lắng khi đi phỏng vấn, họ sợ nhà tuyển dụng không đánh giá cao và sẽ từ chối họ. Lúc này, thay vì thừa nhận nỗi sợ hãi đó, họ lại dằn vặt và tự chỉ trích bản thân. Họ tự trách mình sao quá kém cỏi so với những người khác và rơi vào những cảm xúc tiêu cực khác như tự ti, mặc cảm, xấu hổ,... Những cảm xúc này kéo dài có thể mang đến những vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm,...
Do đó, bạn nên thừa nhận nỗi sợ của bản thân và chia sẻ nó với những người thân yêu và đáng tin cậy. Họ sẽ lắng nghe và cho bạn những lời khuyên hữu ích để khắc phục nỗi sợ này.
Đối mặt với nỗi sợ
Thay vì né tránh với nỗi sợ bị từ chối, cách tốt nhất để giải quyết nỗi sợ là đối mặt với nó. Bạn hãy cố gắng luyện tập để bản thân đối diện với tình huống này. Mỗi ngày, bạn hãy thử bị từ chối một lần (bằng cách nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân thiết). Theo thời gian, bạn sẽ dần khắc phục được nỗi sợ hãi này.
Bạn hãy nhớ rằng: Nếu không thử, bạn vẫn sẽ ở yên tại chỗ!
Rút kinh nghiệm sau khi bị từ chối
Nhiều lúc, việc bị từ chối đôi khi lại là cơ hội để thúc đẩy bạn khám phá và phát triển bản thân tốt hơn.
Ví dụ nếu bạn quyết định ứng tuyển vào một công việc mà bản thân chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng thì bị từ chối là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau buổi phỏng vấn bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, biết mình còn thiếu những điều gì, cần phải bổ sung những điều gì để có được công việc yêu thích.
Đừng để sự từ chối định nghĩa giá trị của bạn
Sự từ chối có thể trở nên đặc biệt đáng sợ nếu bạn quá để tâm đến nó. Nhiều người khi bị từ chối thì vô cùng tự ti, mặc cảm, thấy mình chưa đủ tốt nên người ta mới từ chối.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu được rằng, sự từ chối đôi khi đơn giản chỉ là do nhu cầu không phù hợp mà thôi. Vấn đề đôi khi không chỉ nằm ở bạn mà còn có thể do người kia hoặc ở cả hai người. Do đó, đổ hết trách nhiệm lên bản thân mình là một tư tưởng sai lầm.
Nắm được điểm mạnh của bản thân, xây dựng sự tự tin
Ví dụ: Khi bạn bị từ chối khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh có thể do nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không phù hợp với vị trí này mà hợp làm một vị trí khác không.
Vì vậy, bạn đừng nên để sự từ chối định nghĩa giá trị của bạn. Để làm được như vậy, bạn hãy nắm được những điểm mạnh của bản thân, xây dựng sự tự tin. Khi đó, bạn hoàn toàn hiểu rằng bản thân xứng đáng có được những điều tốt đẹp.
Tập trung vào mục tiêu của bạn
Bạn hãy cố gắng tạo danh sách các mục tiêu cần phấn đấu dựa trên thế mạnh của bạn.
Hãy lên kế hoạch và không ngừng nỗ lực thực hiện nó. Việc có được mục tiêu sẽ giúp bạn tự tin hơn về khả năng trong tương lai cũng như củng cố thêm giá trị của bản thân. Điều này sẽ phần nào giúp bạn giảm bớt đi nỗi sợ bị từ chối.
Chăm sóc bản thân
Chăm sóc bản thân là điểm tựa vững chắc giúp bạn dễ dàng đối mặt với khả năng bị từ chối. Bạn nên dành thời gian cho bản thân, nỗ lực cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn càng khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí óc thì sẽ càng cảm thấy thỏa mãn với bản thân. Dưới đây là lời khuyên hữu ích dành cho bạn:
- Quan tâm tới sức khỏe thể chất: Bạn hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh cộng với hoạt động thể dục thể thao thường xuyên.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Bởi căng thẳng có thể làm tăng thêm cảm giác sợ hãi.
- Chú ý đến giấc ngủ của bạn: Giấc ngủ chất lượng chính là chìa khóa vàng cho một cơ thể khỏe mạnh toàn diện. Bạn hãy cố gắng đi ngủ sớm, vệ sinh giấc ngủ và ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nỗi sợ bị từ chối. Nỗi sợ này đôi khi mạnh mẽ đến mức ngăn cản bạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để hướng đến những thử thách. Do đó cần sớm vượt qua nỗi sợ hãi này để lấy lại sự tự tin, lòng tự trọng và củng cố sự bản lĩnh, bạn nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập